BẾN TRE – NƠI TÔI ĐẾN VÀ LẮNG LẠI CẢM XÚC

21/11/2019 at 1:50 sáng Bình luận về bài viết này

BẾN TRE – NƠI TÔI ĐẾN VÀ LẮNG LẠI CẢM XÚC

Đôi khi trong cuộc sống, ta chỉ cần hiểu nhau thôi thì một tiếng “ới” của người bạn thân ở xa sẽ biết mình hợp “cạ” như thế nào rồi! Trường hợp này thật đúng, tôi nhắn tin qua messenger thì ông bạn “vàng” của tôi ở bên kia đường truyền đồng ý ngay chuyến “phượt” bằng xe máy mà không cần đi ôtô khách để về thăm quê hương Đồng khởi. Trên chiếc xe máy mới, anh bạn văn đồng hương sống tại Sài Gòn nhiệt tình chở tôi đi với lời hứa sẽ cùng tôi đến nơi nào mà tôi chưa đặt chân đến.

Bến Tre cách thành phố Hồ Chí Minh không xa lắm trên 80km, vậy mà đã vài chục năm qua tôi chỉ có thể gần đến “Bến Tre” thôi! Có lẽ địa phương này cách trở đò giang, từ thành phố Mỹ Tho muốn qua thành phố Bến Tre phải “lụy” phà. Nói đến địa danh tỉnh Bến Tre, chúng ta thường nhắc nhớ đến ca khúc nổi tiếng “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Đây là ca khúc hay nhất viết về quê hương Bến Tre theo cảm nhận của riêng tôi và nhiều người. Nó ám ảnh tôi suốt chặng đường là phải về Bến Tre để được “đứng dưới bóng dừa” để được nhìn người con gái Bến Tre “tóc dài bay theo gió”…

Trên chặng đường thiên lý của mình dù không quá dài nhưng tôi và bạn đồng hành vẫn dừng chân ở thành phố Tân An, được gặp gỡ và trò chuyện với nhà thơ Trần Ngọc Hưởng và nhà thơ Cao Thoại Châu. Ngồi với nhau 30 phút để trò chuyện tại một quán cà phê trong một hẻm nhỏ ở đường Hùng Vương, chúng tôi cũng thấy đã ấm tình rồi! Đành vậy thôi, cuộc hội ngộ và chia xa là qui luật muôn đời, với lời hẹn là sẽ trở lại cùng cà phê với hai anh bên dòng sông Vàm Cỏ.
Vượt qua cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, đứng trên cây cầu này tôi mới thấy nó có giá trị thiết thực về phát triển kinh tế, đời sống, du lịch…, người Bến Tre gần với các tỉnh, thành phố khác hơn. Phía dưới là bến phà cũ, là cù lao Thới Sơn, là cồn Phụng và một số cù lao khác xa mờ trong sóng nước mênh mông. Thành phố Bến Tre đây rồi! Con đường một chiều có dải phân cách ở giữa phong quang rộng lớn và phố xá khu dân cư mới với dáng dấp một thành phố trẻ đầy sức sống. Chưa kịp nhìn ngắm kỷ các cảnh vật chung quanh, tôi và người bạn đồng hành phải đến điểm hẹn là Nhà hàng nổi Bến Tre, nơi tổ chức buổi ra mắt tập truyện dài “Táng tận lương tâm” của tác giả nữ Lê Nguyệt. Dù đến khá muộn nhưng bù lại tôi được gặp gỡ với một số nhà văn Nam bộ như: Kim Ba, Vũ Hồng, Kha Tiệm Ly và nhiều anh chị em văn nghệ khác mà tôi chưa kịp biết tên. Không gian của khán phòng ấm áp, nhiều bạn văn nghệ ở rất xa như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh… cũng đến tham dự và chia vui với tác giả. Sau chương trình giới thiệu tác giả – tác phẩm là buổi tiệc mặn được tổ chức trên nhà hàng nổi đầy tiếng hát, tiếng cười, tiếng trò chuyện và chúc tụng nhau sôi nổi, chúng tôi cùng bồng bềnh “lạc trôi” trên dòng sông Bến Tre.

Kết thúc cuộc vui giữa trưa hè nắng gắt, hai chúng tôi bịn rịn chia tay các bạn văn nghệ đã biết và mới quen để tìm đến nhà người người bạn quê Bến Tre, anh vừa là đồng nghiệp cũ vừa là đồng môn của tôi, từ lâu tôi chưa gặp lại. Trong năm ba phút trò chuyện, hai chúng tôi hỏi thăm tuyến đường đi đến một số điểm di tích văn hóa. Ngoài các điểm tham quan quen thuộc, anh bạn còn thuyết phục tôi nên đi tham quan cống đập ngăn mặn Ba Lai ở huyện Bình Đại quê của anh. Ừ thì đi…! Chặng đường từ thành phố Bến Tre xuống các huyện Giồng Trôm, Ba Tri và Bình Đại khá xa hơn 30km, đi để biết những đổi thay của quê hương xứ Dừa nổi tiếng này. Con đường liên huyện, liên xã đã được trải thảm nhựa hoặc thâm nhập nhựa khá tốt, có vài đoạn hư hỏng gập ghềnh khi xe đi qua tung bụi mù trời. Nông thôn ở Bến Tre đã có nhiều thay đổi, các cây cầu vào vườn nhà dân đã được bê tông hóa, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp chiếc cầu tre bắc vào nhà trên các con kênh rạch nhỏ hẹp. Đúng là xứ Dừa nhưng cây dừa ở đây không cao như vùng quê ở tôi, có lẽ bà con đã chặt bỏ những cây dừa già sản lượng thấp để trồng giống mới cao sản. Dừa được trồng trên trong vườn nhà, trên các bờ kênh theo các lối đi ra ruộng. Các sản phẩm từ dừa được chế biến như: dầu dừa, tinh dừa, kẹo dừa, bánh tráng dừa… Và bà con nông dân gần như không bỏ bộ phận nào của cây dừa, nó là cây đặc sản hữu ích thiết thưc trong đời sống.

Cung đường chúng tôi đi qua và tham quan như: Cống đập Ba Lai (Bình Đại), Khu di tích cụ Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri), Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định (Giồng Trôm), hồ Trúc Giang (thành phố Bến Tre)… mang cho tôi nhiều cảm giác thú vị. Chuyến đi này chúng tôi được nhận sách tặng của nhà thơ nữ Võ Miên Trường (Đồng Nai), nhà văn nữ Lê Nguyệt (Bến Tre)… được gặp gỡ giao lưu với một số nhà văn, nhà thơ thân quen và cả những bạn văn chưa kịp biết tên. Tỉnh Bến Tre trong tôi thật “xanh”, con người ở đây thật hiền hòa, hiếu khách. Ấn tượng nhất là được trò chuyện trao đổi tâm sự với một vị lãnh đạo của tỉnh ở độ tuổi 9X quê Bến Tre, anh được Trung ương luân chuyển tăng cường công tác ở tỉnh được vài năm nay. Anh tâm sự: “Có lẽ mình dành thời gian còn lại để cống hiến cho tỉnh Bến Tre…”. Anh đau đáu và tâm huyết với việc lập kế hoạch dự án để xây thêm một cây cầu từ tỉnh Tiền Giang bắc qua tỉnh Bến Tre để giải tỏa nạn kẹt xe ở cầu Rạch Miễu trong ngày lễ tết và trong những giờ cao điểm. Đồng thời, tỉnh sẽ chọn thế mạnh ưu tiên để phát triển như: Ngành khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, các sản phẩm từ dừa, khu vực trồng trái cây xuất khẩu, trồng lúa cao sản…

Bởi tỉnh Bến Tre là vùng đất phù sa màu mỡ, chung quanh là sông nước và biển khơi, người dân có truyền trống đấu tranh cách mạng và có quyết tâm xây dựng tỉnh Bến Tre giàu mạnh theo kịp sự phát triển của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Anh nói như một lời gửi gắm cho quê hương Bến Tre. Hai chúng tôi tạm biệt chia tay anh trong tình cảm mến nhớ và tôn trọng.

Khi tôi viết những dòng chữ này, một lần nữa xin chân thành cảm ơn nhà thơ Ngã Du Tử (Phạm Ngọc Dũ) quê Nghĩa Hành hiện ở Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh. Anh chính là người bạn đồng hành là tài xế “xe ôm” của tôi trong chuyến “phượt” về tỉnh Bến Tre. Trước đây, anh Dũ cũng một vài lần rong ruổi xuống các tỉnh thành phố đồng bằng sông Cửu Long nhưng lần đi này thật ấm áp nghĩa tình và hạnh phúc. Do không có nhiều thời gian nên tôi sắp xếp tranh thủ gặp gỡ giao lưu với một số anh, một số bạn thân quen và một số cháu đồng hương Quảng Ngãi… Rất tiếc là tôi không gặp được anh Lê Trung Thận và bạn Trần Hoài Anh dù có lời mời qua điện thoại, đành hẹn với các anh chuyến đi sau hoặc ở gặp gỡ ở quê nhà.

Chuyến đi nào rồi cũng sẽ kết thúc, sự vui mừng niềm hạnh phúc và nỗi mệt mỏi rồi cũng sẽ qua, bây giờ là lúc ta lắng lại và nghỉ chân một chút. Trong thời gian đến, tôi sẽ có những chuyến hành trình gần hoặc xa khác, những trải nghiệm thú vị có lẽ đang chờ tôi./.

Bên dòng Vệ Giang, 10h00, ngày 22/3/2019

 

 

 

 

 

Entry filed under: BÚT KÍ.

VIẾT VỀ ANH, VỀ NGƯỜI LÃNH ĐẠO ĐÁNG KÍNH VỚI TẤM LÒNG VÀ TRÁI TIM NHÂN HẬU CỒN CỎ – ĐẢO TIỀN TIÊU CỦA TỔ QUỐC

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Chuyên mục

Bài viết mới

Số lượt truy cập

  • 33 701 người